Ít nhất, tôi (Dodge) đã trả lời băn khoăn trên của nhiều người không dưới 500 lần trong suốt 6 tháng qua, do đó tôi nghĩ mình nên viết ra đây để tỏ tường hơn. Có cảm giác Google vẫn là một gã khổng lồ mới thức giấc, đang bắt đầu một hành trình mới. Cả Larry và Sergey (những ông chủ sáng lập hãng tìm kiếm) đều rất cởi mở và năng động. Hàng ngày, khi ăn tối vào lúc 8 giờ, Larry vẫn thường ngồi ngay bên cạnh bàn tôi. Mọi thứ chuyển động chóng mặt và có thể thay đổi chỉ trong tích tắc.
10 năm một chặng đường
Tôi khởi nghiệp ở Microsoft năm 1985, khi hãng mới chỉ 10 năm tuổi. Mọi người đều đồng tình rằng thời điểm đó Microsoft cũng giống như Google ngày nay. Điểm tương đồng chính là sự nổi trội so với các đối thủ khác, và cùng có cột mốc 10 năm khởi nghiệp. Microsoft đã thành công vang dội với DOS, và đây cũng là điểm tựa khởi đầu cho hàng loạt sản phẩm mới về sau. Trong khi ở thời điểm này Google thành công rực rỡ với cỗ máy tìm kiếm và bắt đầu mở rộng “vùng phủ sóng” như Gmail, Google Apps, Android...
Vào 1985, Microsoft chính là thiên đường làm việc. Họ chỉ chọn những người xuất sắc nhất. Ngày nay, Google làm thay việc đó. Chỉ có những tài năng thực sự mới lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Thực sự là tôi vẫn còn thấy bỡ ngỡ trước cơ hội được làm việc ở Google.
Trở lại 1985, Microsoft tràn đầy khí thế, tự tin và lạc quan rằng mình có thể giành được vinh quang ở bất cứ lĩnh vực công nghệ nào. Ngày nay, Google cũng có nét văn hoá doanh nghiệp tương tự với khẩu ngữ “không gì là không thể”. Các kĩ sư tài năng sẽ mang đến bộ mặt tương lai, giải quyết bất kì vấn đề gì. Tôi sẽ không bàn về chuyện vì sao Microsoft dần đánh mất vị thế số một (thay vào đó là Apple, Google) và làm sao để Google tránh được vết xe đổ. Đó là một chuyện khác. Hôm nay tôi chỉ tập trung vào chuyện việc làm của mình ở trụ sở cỗ máy tìm kiếm.
Thành công nối tiếp thành công
Không khí ở Google tràn ngập sự tự tin, gắn với thành công, lạc quan, sự cống hiến, công việc ngập đầu và chiến thắng. Cảm hứng ấy khiến mọi người cùng nỗ lực làm việc cật lực để giành được thành công, nhiều hơn ở bất cứ nơi đâu họ có thể. Các tài năng xuất chúng lấy thành công chung của cả nhóm làm mục tiêu, thay vì được nhận những ưu ái cá nhân. Ở Google, có thể nói mọi người đều thật đặc biệt dù ở bất cứ cương vị, công việc nào.
Kỷ luật lao động
Google luôn săn tìm những kỹ sư công nghệ xuất sắc. Chỉ những ai thực sự nổi bật mới lọt vào tầm ngắm các nhà tuyển dụng của bộ máy tìm kiếm. Câu chuyện về những bài phỏng vấn phức tạp, những bài toán giải thuật kỳ lạ mà Google thách đố các ứng viên xin việc là có thật. Bằng cấp cũng được Google khá coi trọng, với tất cả các loại trình độ, ở mọi vị trí của công ty.
Gần nửa số quan chức quản lý cấp cao ở Google có xuất phát điểm là kỹ sư công nghệ, kể cả trong nhóm marketing, bán hàng, phát triển thương mại, quản lý sản phẩm...Điều này khiến cho các quyết định của bộ máy Google từ trên xuống dưới dựa chủ yếu vào cơ sở thực tế, thay vì các lựa chọn chủ quan, cho dù không phải lúc nào các quyết định cũng hoàn hảo.
Quy trình tuyển dụng
Đây là công việc được Google đặc biệt quan tâm. Chuẩn của Google là rất cao và thường không có chuyện xuề xòa nhận nhân viên mới. Theo những gì tôi thấy, Google thà để ghế trống còn hơn thuê một nhân viên hạng B. Cách mà Google phân định nhân viên hạng B cũng rất khác so với các công ty tôi biết. Có rất nhiều người không thể giành được một vị trí ở Google đã thành công rực rỡ ở một vài công ty nào đó.
Đương nhiên, với những gì Google đang tổ chức trong việc tìm người, có thể các ông chủ Google sẽ để mất một số ứng viên tốt, nhưng nhìn chung chúng tôi luôn tìm kiếm được những nhân viên giỏi, rất hiếm khi phải trả lương cho những nhân viên kém.
Ở Google, mọi người đều coi chuyện tuyển dụng và thuê mướn được người tài là trách nhiệm chung của mình, chứ không chỉ của các nhà tuyển trạch.
Mục tiêu và phần thưởng
Google luôn đặt mục tiêu rất cao và đánh giá kết quả theo từng quý, đồng thời dành những phần thưởng xứng đáng cho thành tích của đội ngũ nhân viên. Nói một cách ngắn gọn, Google đặt mục tiêu thà giành thắng lợi với 60% cơ hội ở các lĩnh vực khó khăn còn hơn chiến thắng với tỉ lệ thành công 100 %.
Đặt ra những mục tiêu bất khả thi đặt bạn vào một quỹ đạo hoàn toàn khác, buộc bạn phải dũng cảm tiến bước thực hiện, thay vì những con đường dễ dàng dẫn tới thành công. Có thể bạn đã từng nghe câu nói quen thuộc: “Nếu chưa từng thất bại, bạn vẫn chưa phải là người đã cố gắng hết sức”. Không ai ở Google chấp nhận thất bại, nhưng ở đây mọi người định nghĩa khái niệm ấy hoàn toàn khác.
Bước tiếp những con người chông gai
Ở nhiều lĩnh vực, Google vẫn là một công ty mới khởi nghiệp. Mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng nếu cần thiết. Tài nguyên và nhân lực có thể được sắp xếp lại để giải quyết những vấn đề lớn hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện.
Google muốn giải quyết những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Mọi người làm việc chăm chỉ và… ưa thích điều đó. Gần như mọi đêm, tôi làm việc khuya và ăn tối ngay tại trung tâm Google. Tối trước, có tới 400 nhân viên ăn tạm ở đây và Larry Page cũng có mặt, như thường lệ vẫn ngồi cạnh bàn tôi. Đối với các nhân viên ở Google, khi vươn tới được mục tiêu và được thừa nhận nhờ vào những thành công mình làm được, công việc dường như không còn là một nhiệm vụ nữa.
NHẬT VƯƠNG (Nguồn: Dondodge blog)